Khi
nào trẻ bắt đầu dùng tiền? Có nên cho con tiền tiêu vặt và cho bao nhiêu là hợp
lý? Có nên can thiệp vào cách con dùng tiền không... là những vấn đề mà bố mẹ
nào cũng nên biết để dạy con về tiền.
Có nên cho con tiền tiêu vặt?
Để học cách quản lý tiền trẻ cần có một ít tiền. Bằng cách thực
hành với số tiền mình sở hữu, trẻ có thể trải nghiệm với các khái niệm mới: để
dành tiền cho lúc cần, ưu tiên các mục tiêu, hoãn lại niềm vui thích cho mục
tiêu cần thiết hơn - những khái niệm nghe có vẻ trừu tượng.
Cho trẻ tiền tiêu vặt sẽ giúp hạn chế nguy cơ phạm sai lầm. Nếu
một đứa trẻ 8 tuổi không thể đi xem phim với bạn bè vì đã tiêu hết tiền của tuần
này, nó buộc phải nghĩ đến việc lên kế hoạch rõ ràng cho việc chi tiêu của tuần
tới.
Hãy cho trẻ thấy việc sử dụng tiền hợp lý là không dễ dàng. Điều
này sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ nợ nần vì chi tiêu bừa bãi trong tương lai.
Trẻ nên bắt đầu dùng tiền ở độ tuổi nào?
Thông thường khoảng từ 5-6 tuổi (một số gia đình cho phép trẻ
dùng tiền sớm hơn hoặc trễ hơn). Thời điểm tốt để bắt đầu là khi trẻ hiểu rằng
tiền có thể mua được những món đồ trẻ thích. Vì thế, nếu trẻ không quan tâm đến
tiền, hoặc chưa có nhu cầu dùng tiền thì bạn cũng không nên gấp. Hãy chờ cho đến
khi trẻ có dấu hiệu muốn để dành tiền hoặc suy nghĩ về cách xài tiền.
Bao nhiêu là hợp lý?
Tùy thuộc vào khả năng tài chính của gia đình, vật giá nơi bạn ở
và mức độ mà bạn cảm thấy thoải mái cho việc chi tiêu. Không có qui tắc chung,
hoàn cảnh gia đình sẽ quyết định số tiền phù hợp nhất.
Bạn có thể qui định mức tiền tiêu vặt theo từng độ tuổi. Trẻ sẽ
được tăng mức tiền tiêu vặt vào mỗi dịp sinh nhật. Điều này giúp bạn tránh khỏi
sự tỵ nạnh giữa trẻ và anh/chị của trẻ, rằng tại sao anh/chị luôn nhận được nhiều
tiền hơn.
Trẻ có thể được nhận tiền tiêu mỗi tuần, mỗi hai tuần hoặc mỗi
tháng… tùy vào bạn quyết định. Tuy nhiên, thời gian phải đều đặn và nhất quán.
Lập thời gian biểu để ghi nhớ, nhờ đó bạn có thể thay đổi khi cần và tránh được
tình trạng trẻ mè nheo khi bạn quên. Trong trường trục trặc về tài chính, hãy
nói cho trẻ hiểu và thay đổi kế hoạch sao cho phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại.
Có nên can thiệp vào việc
tiêu tiền của trẻ?
Nếu trẻ chỉ dành tiền để mua súng hơi hoặc pháo hoa? Đừng quá lo
lắng. Các khoản tiền tiêu sẽ được kèm theo những điều khoản nhất định. Trẻ có
thể tiêu tiền theo ý thích cá nhân, miễn là không vượt quá những giới hạn mà bạn
qui định. Thay vì lên danh sách “cấm”, bạn hãy cho trẻ một không gian nhất định.
Điều này giúp trẻ cảm thấy tự do và bạn không cần phải can thiệp trực tiếp vào
cách sử dụng tiền của trẻ.
Làm sao để dạy trẻ biết tiết
kiệm và chia sẻ tiền bạc khi cần?
Để trẻ có thể ý thức và tự chịu trách nhiệm về tiền của mình, chắc
chắn là trẻ cần phải học hỏi từ những thành công hoặc thất bại của chính trẻ.
Dần dần, về lâu dài, bạn có thể hướng dẫn trẻ theo cách thiết thực
hơn. Ví dụ: yêu cầu trẻ dành 10% tiền tiêu cho tiết kiệm, 10% cho một tổ chức từ
thiện nào đó mà trẻ chọn. Với khoản tiết kiệm, bạn có thể chia làm hai phần: “cố
định” và “xoay vòng”. Giải thích cho trẻ hiểu, phần “cố định” sẽ dùng về sau
cho các khoản chi lớn như học phí, mua xe…., phần "xoay vòng"trẻ để
dành khi cần thiết. Việc dùng ống tiết kiệm có nhiều ngăn riêng biệt cho từng mục
đích sẽ khuyến khích trẻ tập suy nghĩ về việc sử dụng tiền hợp lý.
Liệu có ổn không khi trẻ
mượn tiền ngoài khoản tiêu vặt của mình?
Nếu trẻ không mang theo tiền và rất muốn mượn tiền bạn để mua một
món đồ yêu thích và hứa sẽ hoàn trả lại khi về nhà? Bạn có thể đồng ý mua giúp trẻ
khi bạn cảm thấy thoải mái về món đồ và giá cả. Một khoản vay ngắn hạn là một
bài học tốt trong việc tập cho cho trẻ sử dụng tiền. Tuy nhiên, cần có sự cam kết
rõ ràng. Bạn sẽ đưa đồ chơi khi trẻ đã hoàn trả lại tiền. Nếu trẻ không còn đủ
tiền, hãy chờ cho đến khi trẻ tiết kiệm đủ tiền. Nếu trẻ cố tình “quên” khoản nợ,
hãy trừ vào khoản tiền tiêu cho kỳ sau và giải thích cho trẻ hiểu.
Có nên cho trẻ tạm ứng trước
tiền tiêu của kỳ sắp tới không?
Trẻ lỡ xài hết tiền trong tuần và không còn tiền đi xem phim
cùng bạn. Liệu có nên cho phép trẻ tạm ứng trước tiền tiêu của tuần sau không?
Nếu bạn cảm thấy trẻ có trách nhiệm về tiền bạc và tin tưởng trẻ hoàn trả đúng
hẹn, nên cho trẻ một cơ hội. Đây cũng là ý tưởng hay để trẻ quen với ký nhận một
khoản vay dài hạn.
Nếu bạn chưa chắc chắn về trách nhiệm của trẻ với khoản vay, hãy
yêu cầu trẻ “thế chấp” một món đồ chơi cho đến khi trẻ hoàn trả lại khoản vay của
mình. Đó phải là món đồ trẻ rất thích và rất cần, với mục đích thúc đẩy trẻ
nhanh chóng thực hiện đúng với những gì đã cam kết.
Sau cùng, hãy nói không nếu bạn cảm thấy việc vay tiền trước kỳ
diễn ra khá thường xuyên.Trẻ có thể thất vọng nhưng điều này sẽ buộc trẻ phải
suy nghĩ về tầm quan trọng của việc dành ra những khoản dự phòng cho những chi
tiêu ngoài kế hoạch.
Việc trả công để khuyến
khích trẻ làm việc có phải là giải pháp tốt hay không?
Hoàn toàn không nên. Trong tường hợp này, còn tùy theo tâm trạng,
số tiền có thể không đủ để thúc đẩy trẻ làm việc và bạn sẽ gặp rắc rối với hàng
tá công việc dở dang.
Ngoài ra, với việc trả công như vậy, trẻ sẽ hình thành thói quen
làm việc chỉ vì tiền. Trẻ cần phải hiểu là mỗi thành viên sống trong gia đình đều
có trách nhiệm chia sẻ công việc với nhau. Điều này không thể thương lượng. Cho
dù trẻ thích hay không, trẻ vẫn phải tham gia làm việc cùng với tất cả mọi người
trong gia đình.