Muôn điều kỳ thú

Mang thai, sinh con là một trong nhiều điều kỳ diệu và thiêng liêng nhất của thế giới tự nhiên. Trong khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày bầu bí, không chỉ cơ thể của người mẹ phải thay đổi để thích ứng và nuôi dưỡng bào thai phát triển tốt trong tử cung, mà ngay cả em bé trong bụng bạn cũng sẽ trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau để hoàn thiện, chờ ngày được cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Do đó, cũng sẽ có muôn điều kỳ thú về sự thay đổi của mẹ và con trong 40 tuần thai nghén, nhất là những phát triển đáng kinh ngạc của bé mà nhiều khi bạn không ngờ tới. 




Tuần đầu tiên khi thai nhi được hình thành:

- 24 giờ là khoảng thời gian cần thiết cho một tinh trùng thâm nhập vào trong trứng, và sự thụ thai xảy ra dù bạn hoàn toàn không hay biết.

- 1 tuần lễ là khoảng thời gian phôi nang (trứng đã thụ tinh và phân bào) di chuyển đến nội mạc tử cung và làm tổ ở đó, thường là 1/3 phía trên thân tử cung. Lá nhau cũng bắt đầu hình thành trong giai đoạn này.

- Việc sinh trai hay gái hoàn toàn thuộc vào tinh trùng X hay Y của người bố. Trứng chỉ chứa 1 loại nhiễm sắc thể X, trong khi tinh trùng chứa X hoặc Y. Nếu trứng thụ tinh với tinh trùng X thì sẽ có bé gái (XX), nếu thụ tinh với tinh trùng mang Y thì sẽ có bé trai (XY). Nếu giao hợp 2 hay 3 ngày trước ngày rụng trứng, cơ hội thụ thai bé gái sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu giao hợp 1 ngày sau hay ngay khi trứng rụng thì sẽ có cơ hội sinh bé trai nhiều hơn. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ mang tính chất tương đối và xác suất sinh con theo ý muốn bằng cách này không nhiều.

- 2% là cơ hội một sản phụ có thể mang thai song sinh, có thể là song sinh giống hệt nhau xảy ra khi một trứng được thụ tinh bởi 1 tinh trùng, sau đó chia thành 2 hợp tử riêng biệt, thường xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên; hoặc song sinh không giống hệt nhau hình thành khi 2 trứng riêng biệt cùng rụng 1 lần và được thụ tinh bởi 2 tinh trùng riêng biệt, thường sẽ xuất hiện trong những gia đình có tiền sử sinh đôi khác trứng trước đó.

40 tuần thai: Muôn điều kỳ thú (P1) - 2
Chỉ có 2% phụ nữ mang thai song sinh trong mỗi thai kỳ (hình minh họa)

Sự phát triển đáng kinh ngạc của bé yêu trong 3 tháng đầu thai kỳ

- 4 tuần tuổi, phôi thai (em bé tương lai của bạn) có kích thước như 1 hạt giống nhỏ.

- 6 tuần sau thụ thai là thời điểm bé đã bắt đầu có nhịp tim đầu tiên. Lúc này bé nhỏ xíu như 1 hạt đậu lăng. Trong khi đó tử cung của mẹ bắt đầu phát triển từ kích thước 1 quả mận to ra thành 1 quả táo.

- 7 tuần: não bé đã được phân chia thành 3 khu vực riêng biệt sẽ là cơ sở cho việc hình thành tất cả suy nghĩ và hành động trong tương lai: não trước chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề, lý luận và lưu giữ những kỉ niệm; não giữa chỉ đạo xung điện từ cơ thể bé cho các khu vực não phải; não sau kiểm soát các hoạt động thể chất như thở, nhịp tim và các cử động cơ. Đây cũng là thời điểm cơ phôi thai đã được hình thành và cử động đầu tiên của bé có thể phát hiện được bằng siêu âm.

- 8 tuần bé của bạn đã chính thức được gọi là 1 bào thai, đã có nhịp tim và nguy cơ sẩy thai chỉ còn 2%.

- 10 tuần: bé của bạn có kích thước như một quả đậu, nhưng bé cũng đã có mắt, mũi và miệng. 4 chồi tay cùng với các ngón tay và ngón chân cũng đã hình thành, thậm chí bé còn có móng tay nhỏ xíu và các chồi cho răng sữa mọc lên sau này.

Thật ngạc nhiên là thói quen thuận tay trái hay thuận tay phải cũng hình thành vào khoảng thời gian này, căn cứ vào thói quen mút ngón tay cái của bé. Theo một nghiên cứu của  trường Đại học Belfast, thai nhi có thói quen mút ngón cái phía tay phải khi lớn lên sẽ thuận tay phải và ngược lại.

40 tuần thai: Muôn điều kỳ thú (P1) - 3
Thói quen thuận tay trái hay phải đã hình thành khi bé được …10 tuần tuổi (hình minh họa)

Đây cũng là thời điểm mà bé yêu của bạn đã có thể đáp ứng để hình thành các liên lạc sau này. Nếu bạn vỗ bụng, bé sẽ luồn lách khỏi khu vực có lực tác động từ tay bạn, dù bạn không thể nhận ra. Tim bé cũng đập từ 110 – 160 lần/phút, nhanh gấp 2 lần nhịp tim của mẹ. Tất cả các cơ quan chính như tim, phổi, não, ruột đã hình thành đầy đủ chức năng và sẽ tiếp tục phát triển thêm để hoàn thiện dần trong các quý sau của thai kỳ.

- 12 tuần: cơ thể bé đã có kích thước như một quả đào và bé đã biết đau ở mọi chỗ trên cơ thể như một em bé sơ sinh. Phản xạ của bé cũng bắt đầu phát triển, nếu bé vô tình cọ khuôn mặt vào tay hoặc chân mình, môi bé sẽ mở ra để mút, còn nếu bé chạm tay vào mí mắt mình, bé sẽ biết nhấp nháy mí. Vào cuối quý 1 của thai kỳ, em bé của bạn đã trông giống hình người rõ rệt, với cằm, trán rộng, có mũi và mí mắt.

Nếu ở 3 tháng đầu, bé yêu của bạn đã đạt đến kích thước của 1 quả đào, thì trong 3 tháng giữa thai kỳ, thai nhi sẽ tăng cả về chiều cao, độ dài và cân nặng, để đến tuần thứ 30, bé nặng khoảng 1,5 kg  và trông giống như một em bé sơ sinh thực sự. Trong 15 tuần lễ của giai đoạn này (từ tuần 13 – tuần 28), bên cạnh nhiều thay đổi trên cơ thể mẹ, bé trong bụng bạn cũng sẽ có những phát triển nhanh chóng đến không ngờ…

Các thay đổi ở mẹ…

- Đây là giai đoạn bạn tăng trọng nhiều nhất, thường là khoảng 6kg, nhưng chỉ có 1 kg trong phần tăng trọng này dành cho sự phát triển của thai nhi. Phần còn lại do sự phát triển của các phần phụ khác như nhau thai, dịch ối, do sự tăng trưởng của tử cung và vú cũng như tăng thể tích máu và nước trong cơ thể.

40 tuần thai: Muôn điều kỳ thú (P2) - 1
Đây là giai đoạn mà mẹ sẽ tăng trọng trung bình 0,5 kg/tuần để đảm bảo cho
sự phát triển của thai nhi (hình minh họa)

- Lượng chất béo dự trữ trong cơ thể bạn cũng sẽ tăng lên bằng trọng lượng của thai nhi.

- Bạn sẽ bị sai lệch về trọng tâm do tử cung phát triển cùng với việc bạn phải mang thêm 1 trọng lượng phía trước.

- Đây cũng là lúc tim bạn sẽ tăng nhịp độ hoạt động lên gấp đôi nhằm đáp ứng nhu cầu máu gia tăng để phát triển các phủ tạng. Lượng máu cung cấp cho tử cung và da tăng 100%, cho thận là 25%. Bên cạnh đó, bạn có thể sờ được tử cung do bào thai tăng trưởng làm tử cung lớn lên, ra khỏi khung hố chậu, lên trên vùng bụng. Từ nửa sau của thai kỳ, tử cung người mẹ cũng sẽ bắt đầu phát triển, và tăng khoảng 1cm mỗi tuần.

Đến những phát triển bất ngờ ở bé

- 13 tuần tuổi, bé của bạn đã có dấu vân tay riêng biệt của mình và có kích cỡ như 1 quả đào lớn. Thai nhi cũng đã phát triển đầy đủ mắt, mũi với lớp lông tơ bao phủ khắp thân mình giúp giữ ấm cơ thể.

- Vào tuần thứ 14, bé biết mỉm cười, cau mày, uốn mình, co chân tay và thỉnh thoảng còn biết nấc cục nữa đấy các mẹ. Mặc dù mí mắt vẫn còn khép, bé đã có thể cảm nhận được ánh sáng và bóng tối, nên nếu bạn để ánh sáng chiếu trực tiếp vào bụng bầu của mình, bé sẽ cảm nhận được 1 vùng sáng màu đỏ ấm áp. Đồng thời, đây cũng là thời điểm dây rốn của bé hoàn toàn trưởng thành và chứa 3 mạch máu bên trong bao: 1 tĩnh mạch mang máu chứa đầy dưỡng chất và oxy cho bào thai; 2 tĩnh mạch nhỏ hơn chuyển máu chứa ít oxy và các chất thải đến nhau thai để được bài tiết.

Trong giai đoạn này, mầm của 32 răng vĩnh viễn cũng đã xuất hiện trên 2 hàm và cơ quan sinh dục ngoài của bé cũng đã hình thành.

40 tuần thai: Muôn điều kỳ thú (P2) - 2
Bé của bạn đã có vân tay từ 13 tuần tuổi và đã hình thành mầm của 32 răng
ở cả 2 hàm vào tuần 14 của thai kỳ (hình minh họa)

- 17 tuần: Bé đã bắt đầu biết … nằm mơ rồi nhé các mẹ, thậm chí theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, lúc ở trong bụng bé còn mơ nhiều hơn sau khi chào đời, đặc biệt còn mơ nhiều hơn cả người lớn nữa đấy.

- Vào khoảng 20 tuần tuổi, mẹ sẽ dễ dàng cảm nhận được sự chuyển động của bé yêu trong bụng. Các cơ quan của bé cũng đã phát triển gần như toàn diện, và chất béo bắt đầu xuất hiện dưới da để chuẩn bị cho giai đoạn chào đời trong tương lai.

Giai đoạn này cũng là giai đoạn mà mẹ có thể bắt đầu cho bé nghe những giai điệu du dương êm ái của Moza, Beethoven....bởi theo giáo sư Glenn Doman – người đã sáng lập ra Viện Thành tựu Tiềm năng con người đã khuyên các bà mẹ mang thai nên cho thai nhi nghe nhạc. Ở tuần thứ 20 của thai kỳ, tế bào thính giác bắt đầu biệt hóa mạnh, nhất là những tế bào ở khu vực cung mang hai bên (tương ứng với vùng tai khi thai đã trưởng thành). Đến tháng thứ 7, các tế bào thần kinh thính giác biệt hóa tương đối hoàn chỉnh, thai nhi có thể cảm thụ rõ ràng các âm thanh, nên sự tác động tích cực của âm nhạc sẽ kích thích các tế bào thính giác tạo nên các xung động kích thích vỏ não, từ đó kích thích các tế bào cảm thụ âm thanh của bán cầu não bên đối diện thông qua thể chai, làm cho não của trẻ phát triển tốt hơn.

 

- 21 tuần tuổi: Bé yêu của bạn đã có trọng lượng và chiều dài tương đương 1 quả chuối. Bé cũng có thể nếm được các mùi vị mà bạn ăn vào thông qua nước ối, và đã phân biệt được các vị như đắng hay ngọt …

 - Đến tuần thứ 22,  tốc độ tăng trưởng (nhưng không tăng trọng lượng) của bé giảm dần và thai nhi chuyển sang trưởng thành về các mặt khác. Cơ thể bé đã bắt đầu xây dựng hệ phòng vệ, với một hệ thống miễn nhiễm nguyên thủy giúp bé chống lại được phần nào sự nhiễm trùng. Ngạc nhiên nhất là sự phát triển của cơ quan sinh dục của bé trong giai đoạn này. Bao tinh hoàn của bé trai đã vững chắc, còn buồng trứng bé gái đã chứa khoảng 7 triệu trứng, số trứng này sẽ giảm dần còn 2 triệu trứng khi bé chào đời. Đến tuổi dậy thì bé còn khoảng từ 200.000 đến 600.000 trứng, và sẽ cho từ 400 đến 500 trứng rụng trong suốt thời gian trưởng thành với chu kỳ mỗi tháng 1 trứng.

Đây cũng là thời điểm mà các răng sữa của bé đã hình thành dù còn ẩn dưới nướu răng. Bé cũng đã nghe được tiếng chảy của dòng máu, tiếng đập của tim, tiếng sôi bụng của bạn. Từ giờ phút này trở đi, bé sẽ nghe được những âm thanh bên ngoài tử cung và có thể đáp trả các tiếng động, nhịp điệu và cả âm nhạc du dương. Vì vậy các mẹ hãy thử nói chuyện với bé để khi ra đời bé sẽ cảm giác yên tâm, tự tin hơn khi nghe tiếng bố mẹ.

40 tuần thai: Muôn điều kỳ thú (P2) - 3
Nếu thường xuyên nói chuyện với bé, sau này khi ra đời, bé sẽ cảm thấy an toàn,
tự tin hơn khi nghe được tiếng của bạn (hình minh họa)

- 24 tuần tuổi: Đây được xem là một trong những cột mốc quan trọng của thai kỳ, vì nếu sinh ra ở thời điểm này, cơ may sống sót của bé sẽ khá cao, khoảng 39%. Trí não của bé cũng đã phát triển, với sóng não như một bé sơ sinh thực sự. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bé đã có sự khởi đầu của suy nghĩ có ý thức và có thể nhớ được. Bé cũng bắt đầu phân biệt được giọng nói của mẹ, của bố, và sau này khi sinh ra, bé sẽ nhớ cả những bản nhạc mà bé đã được nghe thường xuyên trong thời điểm này. Bé cũng thức và ngủ như bé sơ sinh, nhưng lại không đúng với chu kỳ thức ngủ của mẹ.

- 26 tuần: Bé của bạn đã bắt đầu các bài tập thở đầu tiên, chuẩn bị cho quá trình phát triển sau này khi ra khỏi bụng mẹ. Bên trong phổi bé, các phế nang bắt đầu tăng số lượng và sau đó tiếp tục phát triển cho đến khi bé được 8 tuổi.

Đến quý 3 thai kỳ, dù cơ thể đã nặng nề, mệt mỏi hơn, nhưng cả bạn và bé yêu đã đi được đến 2/3 chặng đường. Chẳng còn bao lâu nữa, cả gia đình bạn sẽ vui mừng chào đón 1 thành viên mới rất đáng yêu. Trong suốt 1/3 chặng đường còn lại của hai mẹ con, sẽ còn có những thay đổi tạo ra khó chịu ở mẹ. Nhưng dù vậy, những thay đổi đáng ngạc nhiên này trên cơ thể mẹ sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển kì diệu ở bé yêu, để hoàn thiện tất cả các bộ phận trên cơ thể, chuẩn bị cho bé thích nghi hoàn toàn với môi trường sống mới ngoài bụng mẹ.

Cơ thể mẹ sẽ còn nhiều thay đổi

- 5 kg: Là số cân nặng trung bình mà bạn sẽ tăng lên trong suốt 3 tháng cuối cùng này, trong đó sẽ có đến 4 kg dành cho thai nhi, phần còn lại dành để phát triển các phần phụ của bé như nhau thai, dịch ối, do sự tăng trưởng của tử cung, vú, tăng thể tích máu và nước. Đồng thời, lượng chất béo của mẹ tiếp tục tăng lên tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng của thai nhi.

40 tuần thai: Muôn điều kỳ thú (P3) - 1
Bạn sẽ khó đi bộ vào những tháng cuối thai kỳ này vì dây chằng bị
căng ra và yếu đi (hình minh họa)

- Dung tích thở của mẹ tăng từ 3 pin/phút lên 5 pin/phút (tăng 40% so với bình thường), nguyên nhân là do cử động của cơ hoành giảm bớt khi bé lớn lên trong bụng mẹ, làm thai phụ phải thở sâu để lấy vào nhiều không khí có oxy.

- Nhu cầu oxy của cả hai mẹ con sẽ tăng 20% so với bình thường.

- Vú bạn bắt đầu tiết ra sữa non từ tuần thứ 30 của thai kỳ. Đây được xem là thức ăn đầu tiên cho bé sau khi sinh, trước khi chờ mẹ “xuống” sữa.

- Rốn của bạn sẽ lồi ra vì thai nhi tăng trưởng quá nhanh, làm bụng căng quá mức, cộng với sự gia tăng các sắc tố của đường thâm giữa bụng, thường được gọi là Linea Nigra, khiến cho bụng bạn càng trông có vẻ phình to hơn.

- Tử cung bắt đầu có những cơn co thắt giống như “thực tập” trước kì sinh nở từ tuần thứ 30 trở đi. Các cơn co thắt này được gọi là co thắt Braxton Hicks, kéo dài độ 30 giây và  bạn hầu như khó có thể nhận ra chúng.

- Thị giác của bạn bị sai lệch, khác hẳn với bình thường và trọng tâm cũng bị thay đổi khiến bạn dễ va vấp, đánh rơi các đồ vật. Nguyên nhân là do phải cân bằng trọng lực ở phía trước bụng, bạn thường hay ngả ra sau và đầu bạn cũng nghiêng hẳn về sau.

- Bạn luôn trong tình trạng bồn chồn, lo âu, hối hả muốn hoàn thành một việc gì đó. Đây được gọi là bản năng “làm tổ”, thường xảy ra trong thời kỳ trước chuyển dạ.

- Đến 40 tuần, tử cung của bạn đã tăng gấp 500 – 1000 lần kích thước bình thường.

Sự hoàn thiện kì diệu của bé

- Bạn có biết “đồ uống” mà con bạn dùng trong suốt khoảng thời gian cuối cùng ở trong bụng mẹ là gì không? Đó chính là nước ối, và bé cũng sẽ bài tiết nước tiểu vào dịch ối khoảng 1/2 lít/ ngày. Toàn bộ lượng nước ối này liên tục được tái tạo và bổ sung mỗi 3 giờ/lần, do đó, chắc chắn mẹ phải đảm bảo uống nhiều nước để giữ lượng nước ối này ổn định.

40 tuần thai: Muôn điều kỳ thú (P3) - 2
Bé nuốt nước ối và bài tiết khoảng 1/2 lít nước tiểu vào dịch ối mỗi ngày (hình minh họa)

- Ở tuần thứ 28, hai mí mắt bé bắt đầu mở ra, bé bắt đầu nhìn và tập trung. Mặc dù vậy, tầm nhìn của bé sơ sinh giới hạn ở khoảng cách từ 20 – 25 cm, dường như có liên quan đến tầm nhìn của bé khi còn trong tử cung của mẹ.

- Từ tuần 28 – 32, bé tăng khoảng 500g mỗi tuần, đây là lý do vì sao bạn đột nhiên trong to ra và cảm thấy chật chội ngay cả khi mặc đồ bầu. Nước ối luôn giữ ở mức 37,5°C, hơi ấm hơn so với nhiệt độ cơ thể của mẹ, để giúp bé ấm áp trong suốt thời gian bé hình thành chất béo trong cơ thể mình.

- Tuần 30: Hệ thần kinh bé phát triển mạnh, não lớn dần, bắt đầu gấp nếp, co cụm, nhăn nheo như một quả hồ đào. Bé bắt đầu tăng khả năng tiếp thu và thực hiện các cử động phức tạp. Cơ thể bé cũng trở nên tròn trịa hơn. Tóc, chân mày, lông mi đã mọc. Tinh hoàn của bé nam sẽ di chuyển xuống bẹn rồi vào túi bìu. Bé bắt đầu kiểm soát được thân nhiệt. Một số bé tăng trưởng quá nhanh có thể lộn đầu xuống dưới trong tuần này trở đi để chuẩn bị cho việc ra đời sớm hơn bình thường. Trường hợp này hay xảy ra nhiều hơn đối với các mẹ mang bầu con so.

- Từ tuần 32 – tuần 35: Khả năng cảm nhận mùi hương đã hình thành ở bé từ tuần 32, và bé tăng khoảng 250 g mỗi tuần. Não bé cũng bắt đầu phát triển rất nhanh, với chu vi vòng đầu tăng khoảng 2,5 cm/ tuần. Trọng lượng của bé sẽ đạt khoảng 2,46 kg vào tuần thứ 35. Mẹ cũng sẽ thấy yên tâm khi biết rằng nếu sinh sớm ở tuần 35, cơ hội sống của bé rất cao, lên đến 99%.

- Tuần 36: Hầu hết đầu bé đã di chuyển xuống khung xương chậu của mẹ, chỉ có khoảng 2,5% thai nhi là phần đầu còn nằm phía trên xương chậu.

40 tuần thai: Muôn điều kỳ thú (P3) - 3
Đến tuần thứ 37, bé đã trưởng thành hoàn toàn để chuẩn bị tham gia
vào thế giới náo nhiệt bên ngoài (hình minh họa)

- 40 tuần: Vào giai đoạn cuối thai kỳ này, nhau thai sẽ có kích thước như một chiếc đĩa lớn, rộng khoảng 20 – 25 cm, dày 2 – 3 cm, và nặng khoảng 650 g. Nhau tiết ra nội tiết tố kích thích vú mẹ căng to và đầy sữa, đồng thời chúng cũng kích thích vú của bé, cả trai lẫn gái, phồng lên rồi xẹp xuống sau khi sinh. Với bé gái, sự chấm dứt các nội tiết tố này sau khi sinh có thể gây cho bé tình trạng xuất huyết nhẹ ở âm đạo và tự khỏi một vài ngày sau đó.

Đến cuối giai đoạn này, tinh hoàn của bé trai bắt đầu di chuyển xuống dưới, trong khi buồng trứng của bé gái vẫn còn ở bên trên rìa của vùng hố chậu và sẽ di chuyển đến vị trí chính thức sau khi sinh. Tại thời điểm này, có khoảng 95% bé sơ sinh có vị trí ngôi đầu, 4% là ngôi mông và chỉ 1% bé có ngôi ngang hoặc xiên. Và mẹ cũng nên biết rằng, ngày dự sinh chỉ mang tính chất ước đoán, vì chỉ có 5% bé sinh vào đúng với ngày dự sinh của mình.

 

 
Blog Smart Ferus
Customer Support
Hotline: 0977.641.386